Nền kinh tế Mỹ đã hứng một đòn đau chưa từng có trong thời kỳ hiện đại vì Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp, vốn chỉ ở mức 3,5% trong tháng 2 có thể tăng vọt lên hơn 10% trong những tháng tới, cao hơn mức đỉnh trong cuộc suy thoái 2008-2009. Một số người còn dự báo nó sẽ sớm vượt qua 20%, mức chưa từng thấy kể từ Đại suy thoái.
Nhưng vẫn chưa thể kết luận rằng đây là những chỉ báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái tiếp theo, thay vì một cú sốc kinh tế tạm thời. Mọi thứ không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ thất nghiệp trong một hoặc hai tháng tới mà nó duy trì trong bao lâu. Có hai yếu tố tác động đến điều này, bao gồm: Mỹ mất bao lâu để ngăn chặn đại dịch và liệu các doanh nghiệp và người lao động, với sự trợ giúp của chính phủ, có thể vượt qua nổi thời gian này hay không.
Trung tâm Los Angeles vắng vẻ hôm 12/3. Ảnh: WSJ |
Những khó khăn mà Mỹ đang gặp không giống các cuộc suy thoái trước - khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu. Lần này, với Covid-19, họ không thể chi tiêu. Covid-19 giống như một thảm họa tự nhiên, kiểu một cơn bão đóng cửa toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng. Thông thường, doanh nghiệp và người dân chỉ xem một thảm họa tự nhiên là tạm thời và vực dậy nhanh chóng.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Covid-19 và một cơn bão là đại dịch khiến gần như hoạt động kinh doanh trên cả nước đình trệ và có thể kéo dài việc này trong nhiều tháng.
Các chuyên gia kinh tế Mỹ cũng không có kinh nghiệm nhiều về ảnh hưởng kinh tế gây ra bởi đại dịch, nhưng họ biết rất nhiều về ảnh hưởng do thiên tai. Ví dụ, một tuần sau khi cơn bão Harvey đổ bộ vào năm 2017, thu nhập của các doanh nghiệp điển hình ở Houston giảm đến 63% và 31% không có thu nhập, theo nghiên cứu của JPMorgan Chase Institute. Hay như, hai tuần sau khi bão Irma tấn công Florida, thu nhập của các doanh nghiệp tại Miami đã giảm 82% và 41% không có thu nhập.
Cùng với đó, chi tiêu của các doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, nhằm bảo toàn phần nào dòng tiền. Nhưng chỉ trong vòng một tuần, dòng tiền trở lại bình thường ở cả hai thành phố. Có một sự gia tăng sa thải lao động tạm thời, đặc biệt ở Houston, nhưng không tạo ra vệt sa thải kéo dài hay ảnh hưởng đáng kể.
Song, JPMorgan Chase Institute lại không nghiên cứu về cơn bão Katrina năm 2005, vốn để lại vết sẹo kinh tế kéo dài hơn. Khi ấy, việc làm tại New Orleans ngay lập tức sụt giảm 30%. Hai năm sau, chỉ một nửa số việc làm được khôi phục, và một phần ba doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn.
Do đó, ưu tiên bây giờ là tránh số phận lặp lại như hậu Katrina đối với New Orleans. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải chờ đợi được cho đến khi tình trạng khẩn cấp của đại dịch kết thúc.
Lauren Knox sở hữu một tiệm làm tóc ở Huntsville, Alabama, từ năm 1989. Năm 2011, cô buộc đóng cửa trong 10 ngày khi những cơn lốc xoáy xé toạc miền Nam nước Mỹ. Cô vẫn còn nhớ mình đã bỏ tiền túi để hỗ trợ nhân viên vượt qua cơn bão lần trước. Nhờ vậy, giờ cô có kinh nghiệm hơn một chút để chuẩn bị cho đại dịch.
Hôm 3/3, cô đã cho nhân viên ký một kế hoạch hành động cho đại dịch, trong đó ghi rằng: "Giống như bất kỳ sự gián đoạn nào trong cuộc sống của chúng ta, như một cơn lốc xoáy chẳng hạn, chúng ta cùng nhau vượt qua". Một tuần trước, để bảo vệ sức khỏe nhân viên và khách hàng, cô đã đóng cửa tiệm.
Không ai bị sa thải đến nay. Lauren hy vọng khi đại dịch qua đi, tất cả nhân viên đều có thể quay lại làm việc. Nhưng cô chỉ có 7.000 USD tiền mặt trong tay. Giả sử cắt giảm tất cả chi phí hoạt động, thì chi phí cố định hàng tháng gồm tiền thuê nhà, các tiện ích và bảo hiểm vẫn tốn khoảng 7.200 USD.
"Tôi quyết định hỗ trợ lương cho nhân viên nhưng sẽ hết sạch tiền trong hai tuần và hy vọng các chương trình dịch công chứng kích thích, cứu trợ sẽ thu hẹp khó khăn", cô đề cập đến gói 2.000 tỷ USD được thông qua tuần trước. "Tôi có thể thanh toán các hóa đơn cho tháng 4 nhưng không thể tiếp tục trong tháng 5 mà không cần sự trợ giúp nào", cô nói.
Chủ tiệm tóc Lauren Knox chụp ảnh với khách hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hầu hết người lao động Mỹ có kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể cho công việc hiện tại của họ. Càng mất nhiều thời gian để tìm việc mới thì vốn nhân lực của họ càng hao mòn, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến thu nhập và chi tiêu. Nghiên cứu của JPMorgan Chase Institute phát hiện ra rằng, những người thất nghiệp từ 6 tháng trở lên đã cắt giảm chi tiêu 13% mỗi năm sau khi mất việc, so với mức 1% của những người thất nghiệp dưới 6 tháng. Sức mua giảm làm suy thoái kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn.
Theo nghiên cứu của OECD, trong các lần suy thoái trước, tỷ lệ thất nghiệp tăng ít hơn ở những quốc gia mà người lao động cho rằng suy thoái chỉ là tạm thời. Một ví dụ đáng chú ý là Đức, nơi người sử dụng lao động được khuyến khích giảm giờ làm cho công nhân thay vì cắt giảm công nhân.
Theo truyền thống, Mỹ không trợ cấp cho người sử dụng lao động để giữ lại người lao động. Thay vào đó, họ thích trợ cấp cho người thất nghiệp để tìm việc mới. Gói giải cứu kinh tế trị giá hơn 2.000 tỷ USD lần này đã phá vỡ truyền thống đó. Nó cũng bao gồm tiền cho trợ cấp thất nghiệp, nhưng dành nhiều tiền hơn để ngăn cản doanh nghiệp sa thải công nhân.
Để kế hoạch thành công, các quan chức liên bang phải nhanh chóng thực hiện quy trình xử lý và phê duyệt hiệu quả. Tuy vậy, vẫn còn câu hỏi hóc búa hơn là bao giờ đại dịch được kiểm soát triệt để. Trong khi giải pháp cách ly xã hội dường như đã làm chậm được sự lây lan và tử vong ở những điểm nóng như Washington, thì nhiều khu vực khác vẫn còn ở giai đoạn đầu của bùng phát. Virus vẫn có thể quay trở lại nhiều tháng sau đó, khiến lại phải cách ly xã hội lần nữa. Nếu vậy, gói 2.000 tỷ USD tuần trước có thể không đủ.
Phiên An ( theo Wall Street Journal )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét